Truyền thống trường THPT Buôn Ma Thuột

TRƯỜNG THPT BUÔN MA THUỘT: HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Qua hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, trường THPT Buôn Ma Thuột (số 57, Bà Triệu, phường Tự An,  thành phố Buôn Ma Thuột, Đak Lak) là nơi đào tạo nhân tài, ươm mầm nhân cách và trí tuệ, đã trở thành niềm tự hào, niềm vinh dự to lớn cho bao thế hệ giáo viên – học sinh gắn bó và trưởng thành trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ.

heo các tài liệu bút ký, hồi ức từ cuốn Đặc san và Kỷ yếu: Trung học Ban Mê Thuột nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường của cựu học sinh, cựu giáo sư (thầy, cô giáo) trong và ngoài nước thì: Trường  Trung học Ban Mê Thuột (nay là trường THPT Buôn Ma Thuột) được thành lập từ năm 1955, là kết quả của việc hợp nhất trường Y-Yut (có từ thời Pháp thuộc, lúc đầu có tên là Collège Sabatier – dành riêng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương do thầy Đỗ Đức Riệu làm Hiệu trưởng) và trường Trung học Nguyễn Trường Tộ (có từ năm 1956, dành cho con em đồng bào người kinh đến Ban Mê Thuột lập nghiệp do thầy Đỗ Trọng Thạc làm Hiệu trưởng.). Khi mới thành lập, trường Trung học Nguyễn Trường Tộ chỉ có một lớp Đệ thất (tên gọi lớp học thời xưa, tương đương với tên gọi lớp 6 ngày nay) gồm 40 học sinh. Vì chưa có trường sở nên lớp học phải tạm thời đặt tại khách sạn bằng gỗ thuê của bà Nicholas (người Pháp). Niên học 1957-1958 đã có thêm một lớp Đệ thất mới và cũng thêm các giáo sư được bổ nhiệm để dạy cả hai trường Nguyễn Trường Tộ và Y- Yut. Thầy Phạm Văn Đồng được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng chung cho cả hai trường với nhiệm vụ hợp nhất sách Kinh-Thượng  để dạy Việt ngữ dưới một mái trường chung. Vị trí khuôn viên trường  hiện nay là do Ty Kiến thiết Ban Mê Thuột thiết kế và gọi thầu thi công trên diện tích hơn 3000 m2, chia làm năm đợt, tính từ năm 1959-1962. Đến đầu năm 1960 tên trường Trung học Ban Mê Thuột mới được sử dụng chính thức. Các thầy được bổ nhiệm Hiệu trưởng trong thời kỳ này là thầy Nguyễn Khoa Phước (1962-1963), thầy Nguyễn Khoa Tuấn (1964-1968).

Năm 1968, Trung học Ban Mê Thuột đổi tên thành Trung học tổng hợp Ban Mê Thuột, là một trong mười ngôi trường khang trang trên toàn miền Nam với chức năng đào tạo không chỉ về học vấn mà còn cả phương diện nghề nghiệp khá vững chắc cho học sinh khi rời ghế nhà trường. Trong thời gian này, Hiệu trưởng là các thầy: Nguyễn Phước Quang (1969-1971); Lê Văn Tùng (1972-1975).
Từ năm 1975 đến nay, trường được mang tên là trường Trung học phổ thông  Buôn Ma Thuột với hơn 3000 học sinh trung bình hàng năm  và trên 70 lớp. Các nhiệm kì Hiệu trưởng: thầy Nguyễn Văn Huệ (1975-1976), thầy Trần Xuân Vĩnh (1976-1981), thầy Phạm Đức Thông (1981-1988), cô Ngô Thị Loan (1988- 2002), thầy Nguyễn Văn  Lương (2002- 2007), cô Trương Thị Minh Nguyệt từ  năm 2007-2011; Từ 2011 đến nay là Thầy Phan Văn Vinh. Từ năm học 2009-2010, trường được công nhận là Trường THPT chuẩn quốc gia.

Từ mái trường THPT Buôn Ma Thuột đã có biết bao thế hệ học sinh trưởng thành. Nơi đây đã nuôi dưỡng nhiều cán bộ giỏi và tài năng cho đất nước. Tiến sĩ Lê Hoàng Sinh giám đốc sở ngoại vụ Đak Lak.Tiến sĩ Y Ghi Niê đang giữ chức Giám đốc Sở Tài nguyên Công nghệ môi trường Đắk Lắk,…Học sinh Lê Hữu Phước khóa 1974-1977, tiến sĩ sử học, hiện là phó Hiệu trưởng trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh. Học sinh Lê Đình Duy khóa 1988 -1991  đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Công nghệ thông tin tại Nhật Bản, hiện nay đang giảng dạy và nghiên cứu ở Viện nghiên cứu công nghệ thông tin Quốc gia Nhật Bản. Học sinh Ngô Minh Toàn khoá 1994-1996, bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ Vật lí tại Italia và hiện nay đang làm việc và nghiên cứu tại Hoa Kì,…

Đến nay, do chiến lược phát triển giáo dục của tỉnh nhà nhằm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nên quy mô của Nhà trường về số lớp, số học sinh được điều chỉnh thích hợp; đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa để đáp ứng yêu cầu của một trường chuẩn quốc gia từ năm học 2009 -2010. Hệ thống cơ sở vật chất của trường  ngày càng được nâng cấp, mở rộng và hoàn thiện: phòng học khang trang, thoáng mát, môi trường học tập thân thiện; các phòng bộ môn lý, hóa, sinh và thư viện được trang bị hiện đại đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học.

Kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp của Nhà trường trong những năm qua. Trong thời gian tới, tập thể giáo viên và học sinh của trường sẽ nổ lực hơn nữa để tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong tỉnh nhà nói riêng và toàn quốc nói chung.  Trường THPT Buôn Ma Thuột mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ giáo viên và học sinh
(Ban biên tập)